Nhiều công ty phân phối và bán lẻ hàng công nghệ cho rằng thảm họa Nhật Bản sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa và giá sản phẩm. Nhưng cũng có công ty dự báo giá hàng công nghệ sẽ tăng 1-20% trong vài tháng tới.
Nhiều công ty phân phối và bán lẻ hàng công nghệ cho rằng thảm họa Nhật Bản sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa và giá sản phẩm. Nhưng cũng có công ty dự báo giá hàng công nghệ sẽ tăng 1-20% trong vài tháng tới.
Ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc điều hành Công ty Phân phối CMC,
doanh nghiệp đang phân phối sản phẩm Sony, Toshiba cho biết, giá các sản phẩm
do CMC phân phối hiện tại vẫn không thay đổi. “Trong thời gian tới, giá sản phẩm thay đổi như thế nào thì còn phải đợi
phản hồi từ phía các nhà sản xuất”, ông Hải cho biết thêm.
Còn theo nguồn tin từ phía Công ty phân phối FPT (nhà phân
phối các sản phẩm Toshiba, NEC, Logitec), trận động đất và sóng thần tại Nhật
Bản không ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng FPT phân phối, bởi vì hiện các sản
phẩm của FPT vẫn còn nên chưa phải nhập hàng về. Ngoài ra, các công ty của Nhật
Bản có hoạt động mang tính chất toàn cầu và có nhiều thị trường sản xuất tại
các quốc gia khác nhau. Do đó, các sản phẩm có thể được nhập hàng từ nhiều
nguồn khác nữa nên giá sẽ không bị tác động.
Theo đại diện truyền thông của Sony, thảm họa vừa qua tại
Nhật Bản đã ảnh hưởng khá lớn đến công ty, một số nhà máy phải đóng cửa. Tuy
nhiên, linh kiện của những nhà máy này sản xuất không dùng trong các sản phẩm
bán tại thị trường Việt Nam, nên thị trường trong nước không bị ảnh hưởng,
nguồn cung hàng hóa vẫn ổn định và giá cả các mặt hàng không hề bị đẩy lên. Các
kế hoạch kinh doanh của Sony tại Việt Nam vẫn không có gì thay đổi. Sắp
tới, công ty sẽ ra một số sản phẩm mới cho người tiêu dùng Việt Nam.
Trong khi đó, theo báo chí nước ngoài, Toshiba - một công ty
của Nhật Bản cũng phải đóng cửa dây chuyền lắp ráp LCD tại một nhà máy gần
Tokyo trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Linh, phụ trách mảng máy
tính của Văn phòng đại diện Toshiba tại Hà Nội cho biết đang kiểm tra lại tình
hình ảnh hưởng của động đất tại Nhật Bản với nguồn cung hàng hóa Toshiba tại
Việt Nam và dự kiến sẽ có kết quả trong vài ngày tới.
Đại diện các siêu thị điện máy và hãng bán lẻ hàng CNTT tại
Hà Nội đều cho biết thảm họa động đất và sóng thần vừa qua tại Nhật Bản không
ảnh hưởng gì đến giá cả và nguồn cung các mặt hàng công nghệ. Ông Lê Quang Vũ,
Giám đốc Siêu thị điện máy Media Mart khẳng định, các mặt hàng của Sony chủ yếu
nhập về từ Malaysia hoặc một nước thứ ba khác, nên không bị ảnh hưởng gì. Siêu
thị Pico cũng khẳng định, thời điểm hiện tại, thị trường vẫn rất ổn định.
Còn theo ông Lã Xuân Thắng, Phó Giám đốc Siêu thị Máy tính
Đăng Khoa, động đất và sóng thần tại Nhật sẽ không ảnh hưởng nhiều tới thị
trường tin học ở Việt Nam.
“Các sản phẩm tin học hiện nay hầu hết đều
được gia công, sản xuất ở ngoài nước Nhật, chủ yếu là tại Trung Quốc”,
ông Thắng nói và cho biết, tại Nhật cũng có nhiều nhà máy sản xuất linh kiện
bán dẫn, nhưng không có tính chi phối lớn đến thị trường tin học.
Trong khi nhiều ý kiến cho rằng các mặt hàng ICT sẽ không bị
ảnh hưởng bởi thảm họa xảy ra tại Nhật, thì cũng có ý kiến trái ngược. Ông
Hoàng Anh Tuấn, phụ trách kinh doanh Siêu thị điện máy Trần Anh lại cho rằng,
động đất ở Nhật Bản sẽ ảnh hưởng đến các thiết bị có sử dụng chip nhớ do
Toshiba là nhà sản xuất chip nhớ NAND lớn thứ 3 trên thế giới và phần lớn đều
sản xuất tại Nhật cũng như màn hình LCD, máy ảnh, máy in của hãng Canon. Cũng
theo ông Tuấn, ngay sau khi xảy ra động đất, các mặt hàng điện tử đã bắt đầu có
xu hướng tăng giá và các mặt hàng điện tử trong nước sẽ tăng giá trong thời
gian tới với mức tăng khoảng 10 - 20% tùy từng mặt hàng.
Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng không bị ảnh hưởng vì động đất
và sóng thần, song thị trường hàng công nghệ lại “lao đao” vì lạm phát, tỷ giá USD. Ông Lê Quang Vũ cho biết,
thị trường hàng công nghệ, điện máy chỉ bị ảnh hưởng vì tình hình lạm phát và
giá cả các mặt hàng nói chung đang tăng và ảnh hưởng vì sự điều chỉnh tỷ giá
USD. “Hơn nữa, theo quy luật, tình hình
tiêu thụ hàng công nghệ những tháng đầu năm đang có xu hướng giảm”,
ông Vũ nói.
Theo ông Lã Xuân Thắng, tuy không bị ảnh hưởng bởi động đất,
song thị trường các sản phẩm tin học cũng bị ảnh hưởng vì tỷ giá USD và phần
lớn là do tâm lý khách hàng. “Tỷ giá USD tăng
nên khách hàng cứ nghĩ mua vào thời điểm này thì giá bị đắt hơn so với trước.
Ngoài ra, hàng tin học không phải là nhóm hàng thiết yếu, nên trong khi hầu hết
người dân đều phải tiết kiệm chi tiêu (do mặt bằng giá sinh hoạt hàng ngày
tăng) thì nhóm hàng tin học thường là thứ người tiêu dùng nghĩ sẽ phải cắt giảm
đầu tiên. Đó cũng sẽ là một khó khăn với thị trường trong thời điểm hiện nay”,
ông Thắng nói.
Theo quantrimang.com.vn