• Sitemap
  • Thư điện tử
  • E-Office

Khánh Hòa: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính

Trong giai đoạn 2011 – 2015, việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động ứng dụng CNTT từng bước được cải thiện; công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính và các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội từng bước được tin học hóa, đem lại hiệu quả thiết thực.    

Trong giai đoạn 2011 – 2015, việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động ứng dụng CNTT từng bước được cải thiện; công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính và các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội từng bước được tin học hóa, đem lại hiệu quả thiết thực.


  Phần mềm Một cửa điện tử được triển khai đến hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Kết quả đạt được

Hệ thống pháp lý từng bước được xây dựng và hoàn thiện tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT trong các hoạt động của cơ quan nhà nước tại địa phương, nhiều văn bản đã được ban hành, áp dụng.

Hạ tầng CNTT dùng chung của tỉnh đã cơ bản được nâng cấp hoàn thiện,100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND, 100% Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND từ cấp tỉnh đến huyện; khoảng 70% UBND cấp xã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ cho việc triển khai các ứng dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước. Trung tâm dữ liệu và Mạng tin học diện rộng (WAN) của tỉnh được nâng cấp và đưa vào hoạt động ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận hành các ứng dụng dùng chung của tỉnh.

Các ứng dụng CNTT được đầu tư phát triển đồng bộ, kịp thời, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành, lĩnh vực và đặc biệt là phục vụ công tác cải cách hành chính. Bộ phần mềm một cửa điện tử (bao gồm 4 phân hệ phần mềm: Quản lý văn bản và điều hành; Một cửa điện tử, Trang thông tin điện tử, Kiểm soát thủ tục hành chính) được xây dựng và triển khai cho tất cả các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, cụ thể: 38 cơ quan cấp tỉnh, 08 UBND cấp huyện và 137 UBND cấp xã được triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; đến nay tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong các cơ quan nhà nước đạt khoảng 70%. 35 cơ quan cấp tỉnh, 08 UBND cấp huyện và 137 UBND cấp xã được triển khai phần mềm Một cửa điện tử, Trang thông tin điện tử phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính liên thông; cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay đã cung cấp 175 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3. Riêng trong năm 2015 đã có hơn 500 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý trực tuyến qua môi trường mạng ở mức độ 3.

UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, 8 UBND cấp huyện được triển khai phần mềm Kiểm soát thủ tục hành chính phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Cổng Thông tin cải cách hành chính của tỉnh được xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả. Trên 5.500 tài khoản thư điện tử công vụ được cấp sử dụng. 443 chứng thư số chuyên dùng được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp sử dụng. Tỉnh đang triển khai xây dựng hệ thống thông tin Quản lý nguồn nhân lực để hỗ trợ công tác quản lý nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh và hệ thống thông tin Quản lý hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa nhằm hỗ trợ công tác quản lý hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nâng cấp và hoàn thiện các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành, lĩnh vực đã có trước đây, như: quản lý ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Tài nguyên và Môi trường,... đồng thời phát triển mới các hệ thống thông tin, từng bước mở rộng khả năng ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động quản lý chuyên ngành, lĩnh vực khác, như các ngành: Công an, Tư pháp, Tài chính,..

Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã có cán bộ chuyên trách về CNTT. Trong giai đoạn 2011 - 2015, đã tổ chức được 3 khóa đào tạo nghiệp vụ quản lý đầu tư ứng dụng CNTT, 1 khóa đào tạo MCSA, 2 khóa đào tạo an toàn, an ninh thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001 và có hơn 1.150 cán bộ ở cấp xã, phường trên địa bàn tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng về CNTT ở trình độ A.

Một số hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được,  việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế nhất định. Việc cụ thể hóa, thể chế hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ứng dụng, phát triển CNTT còn chậm; hệ thống văn bản quản lý chuyên ngành từ Trung ương đến cơ sở vẫn chưa đầy đủ và còn nhiều trường hợp cần sửa đổi, bổ sung dẫn đến tiến độ triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT còn chậm.

Nhận thức của một bộ phận cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò của ứng dụng, phát triển CNTT chưa thực sự đầy đủ. Một số cơ quan chưa quan tâm, chưa quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế, hướng dẫn đã được UBND tỉnh ban hành, dẫn đến các phần mềm chưa được áp dụng một cách đồng bộ, thống nhất. Một số lãnh đạo chưa sử dụng các phần mềm để thao tác, xử lý và điều hành công việc, chưa sử dụng chữ ký số (đã được cấp) trong văn bản điện tử,... dẫn đến trường hợp một công việc vừa xử lý trên giấy, vừa xử lý trên phần mềm, tạo ra áp lực cho nhân viên cấp dưới, phát sinh thêm chi phí in ấn, giấy tờ.

Việc sử dụng các phần mềm để phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, tại một số cơ quan, địa phương, việc sử dụng các phần mềm này vẫn chưa được thống nhất, chưa khai thác sử dụng hết các chức năng trong phần mềm, dẫn đến hiệu quả sử dụng chưa cao. Chẳng hạn, tại một số cơ quan, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính không được thực hiện theo đúng quy trình đã được ban hành và tích hợp vào phần mềm Một cửa điện tử, dẫn đến việc giám sát quá trình thực hiện thủ tục hành chính không thực hiện được, việc kết xuất số liệu báo cáo thống kê không đúng thực tế,...

Nguồn nhân lực đảm nhận việc phối hợp tổ chức triển khai và tổ chức quản lý vận hành các ứng dụng còn thiếu, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã.

Nguồn vốn đầu tư ứng dụng CNTT chủ yếu là ngân sách địa phương, chưa tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn khác, hình thức đầu tư ứng dụng CNTT còn hạn chế.

Giải pháp trong thời gian đến

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:  

Một là, đổi mới, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền đối với ứng dụng và phát triển CNTT, xem đây là nội dung bắt buộc trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, cũng như trong từng đề án, dự án đầu tư của mỗi ngành, lĩnh vực, cơ quan, địa phương.

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về ứng dụng, phát triển CNTT phù hợp với xu thế phát triển, trong đó đặc biệt là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo và điều hành nhằm triển khai hoàn thành mô hình Chính quyền điện tử tại địa phương; bảo đảm an toàn, an ninh của các hệ thống thông tin trọng yếu.

Ba là, hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ được thông qua phải đảm bảo xem xét về sự đồng bộ các điều kiện: Quyết tâm của lãnh đạo - điều kiện hạ tầng kỹ thuật - trình độ người sử dụng - công nghệ áp dụng và đặc biệt là phù hợp với Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tại địa phương

Bốn là, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT đồng bộ, hiện đại bảo đảm khả năng kết nối liên thông giữa các cấp, các ngành từ theo hướng tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, trong đó tập trung xây dựng và mở rộng mạng cáp quang băng rộng đến các xã, phường, thị trấn, thôn, bản trên toàn tỉnh, đồng thời triển khai cơ chế cung cấp, chia sẻ và khai thác thông tin phù hợp, đảm bảo thực thi công tác an toàn và an ninh thông tin.

Năm là, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc triển khai các ứng dụng dùng chung hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển, mở rộng ứng dụng CNTT trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, nhất là các ngành kinh tế - xã hội, kỹ thuật để nâng cao sức cạnh tranh cũng như phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo. Khuyến khích áp dụng hình thức thuê, mua dịch vụ CNTT và hợp tác phát triển ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước.

Sáu là, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về CNTT ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; đảm bảo về số lượng và cơ cấu trình độ cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành, lĩnh vực và đặc biệt là CCHC.

Bảy là, kết hợp chặt chẽ công tác triển khai ứng dụng CNTT với công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo các cấp và công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị; gắn việc đánh giá hiệu quả công tác quản lý, công tác cải cách hành chính với hiệu quả triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT tại cơ quan, đơn vị.

Tám là, đảm bảo kinh phí để triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong giai đoạn 2016 – 2020 (vốn đầu tư phát triển; vốn sự nghiệp CNTT; vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ). Ngoài ra, kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, các tổ chức nước ngoài, nguồn vốn xã hội hóa,... cho hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước; trong đó ưu tiên đầu tư các hệ thống thông tin phục vụ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực, phục vụ cộng đồng, phục vụ người dân ở các vùng miền còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin.

Chín là, tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về CNTT trong xã hội; kết hợp tạo lập môi trường giao tiếp thuận lợi, giúp người dân và doang nghiệp được tiếp cận vào sử dụng các dịch vụ công một cách dễ dàng, giảm chi phí; cũng như có thể tham gia hỗ trợ, giám sát hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan, địa phương.

TT

 

Tin cùng chuyên mục

Văn bản mới

Liên kế website

0258.3563.531
stttt@khanhhoa.gov.vn
Số 135 Thống Nhất, phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa