• Sitemap
  • Thư điện tử
  • E-Office

Dịch tả heo châu Phi chưa xuất hiện ở Khánh Hòa

Trong thời điểm hiện nay, việc người tiêu dùng e ngại sử dụng thịt heo là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt heo sạch, khi dịch tả heo châu Phi được xác định chưa xuất hiện ở Khánh Hòa, hoạt động chăn nuôi heo cũng được kiểm soát chặt. 
Trong thời điểm hiện nay, việc người tiêu dùng e ngại sử dụng thịt heo là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt heo sạch, khi dịch tả heo châu Phi được xác định chưa xuất hiện ở Khánh Hòa, hoạt động chăn nuôi heo cũng được kiểm soát chặt. 


Phun thuốc khử trùng tại Trạm kiểm dịch động vật tạm thời trên Quốc lộ I ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh.

Kiểm soát chặt hoạt động chăn nuôi
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Phương - chủ trang trại chăn nuôi quy mô 1.000 con heo theo công nghệ trại lạnh ở xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm cho biết: “Chúng tôi đã tốn thêm nhiều tiền để tổ chức rắc vôi bột dưới đất, mua máy phun vôi tiêu độc không khí toàn bộ khu vực chăn nuôi. Tôi cam kết mọi con heo trong chuồng vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường. Nhờ tuân thủ tốt các điều kiện vệ sinh thú y nên đàn heo vẫn an toàn. Hiện tại, trong chuồng có 1.000 con heo thịt nhiều lứa tuổi. Ngoài ra, còn có 1 trại chuyên heo nái với 200 con và đang có 500 con heo con diện cai sữa”.
 
Khi chúng tôi xin vào tham quan trang trại, chủ trại heo cương quyết từ chối: “Bây giờ là thời điểm nội bất xuất, ngoại bất nhập. Các anh muốn vào trại thì phải ở khu công nhân ít nhất 2 ngày cho quen với không khí. Sau đó tiến hành các bước khử trùng, bảo hộ mới được vào. Ngay cả tôi là chủ trại heo cũng không được vào mà chỉ quan sát mọi việc qua hệ thống camera. Tổng mức đầu tư cho chuồng trại và heo nái đã là 8 tỷ đồng. Chúng tôi không thể chủ quan với dịch bệnh được. Toàn bộ heo đã được tiêm các loại vắc xin phòng bệnh, tuân thủ tốt quy trình chăn nuôi an toàn. Đồng thời, trong tình hình hiện nay, công nhân tăng cường tổ chức sát trùng hàng ngày cả trong và khu vực ngoài trại”.


Công ty CP phun thuốc tiêu độc khử trùng trước và sau mỗi chuyến xe chở heo

Tại thị xã Ninh Hòa, chúng tôi được tiếp cận với trại heo thịt theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này của tỉnh - trang trại heo của thương hiệu thịt heo sạch Long Phát. Với quy trình có phần nghiêm ngặt hơn so với trại lạnh thông thường, chúng tôi phải ở tại khu công nhân 1 ngày. Sau đó, thực hiện các bước khử trùng, tiêu độc, trang bị áo quần chuyên dụng và chỉ được vào đến khu heo thịt sắp sửa xuất chuồng. Còn các khu heo nái, heo cai sữa… tuyệt đối không được vào. “Chúng tôi đầu tư vào đây hàng chục tỷ đồng, nếu chẳng may xảy ra dịch bệnh, người chăn nuôi bị thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất. Vì vậy, hơn ai hết, người chăn nuôi, đặc biệt là các trang trại quy mô hàng nghìn con heo, quy trình phòng bệnh và quy trình an toàn sinh học trong chăn nuôi được tuân thủ nghiêm ngặt nhất nhằm kiểm soát dịch bệnh”, ông Phạm Hùng Long - chủ thương hiệu thịt heo sạch Long Phát khẳng định. Không chỉ chăn nuôi sạch, chuỗi giết mổ và đưa ra thị trường của heo Long Phát cũng được cơ quan thú y tỉnh khẳng định là đạt tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng các điều kiện vệ sinh thú y.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Dịch tả heo châu Phi không lây sang người nên người dân không nên quay lưng lại với thịt heo an toàn đang bán trên thị trường. Các ổ dịch bùng phát đã tiêu hủy, khoanh vùng và khống chế. Để phòng trừ, cần tập trung xử lý an toàn sinh học trong chăn nuôi, xử lý môi trường triệt để ngay từ hộ chăn nuôi bằng cách rắc vôi bột. Cách làm này vừa ít tốn kém, vừa hiệu quả. Thức ăn thừa cần nấu chín để bảo vệ đàn heo. Để tránh lây lan, trục đường Quốc lộ 1 phải "khóa" thật chặt.

 

Ông Võ Ngọc Lâm - Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Chi nhánh Khánh Hòa - đơn vị cung cấp khoảng 40% nguồn heo cho các lò giết mổ heo trong tỉnh cho biết, quy trình chăn nuôi heo của CP từ lâu đã được đánh giá là đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thời điểm này, hoạt động vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng còn được tăng cường hơn, phun nhiều hơn, sâu hơn với tần suất dày hơn nhằm đảm bảo không để xảy ra hoặc lây nhiễm dịch bệnh trên đàn heo. Mỗi chuyến xe của công ty đều được phun thuốc khử trùng trước và sau khi đi chở heo tại các trại gia công về nơi tập kết. Các chủ lò mổ đến khu vực tập kết để nhận heo về giết mổ. Như vậy sẽ tránh được tình trạng lây nhiễm giữa nơi chăn nuôi và nơi giết mổ.

 

Không nên “tẩy chay” thịt heo sạch

 

Chưa đầy 20 ngày qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã gửi hàng chục mẫu thịt heo lấy ngẫu nhiên trên địa bàn toàn tỉnh, gửi Chi cục Thú y vùng IV để kiểm nghiệm. Tất cả đều cho kết quả âm tính với dịch tả heo châu Phi. “Đã có một số ổ dịch nhỏ xuất hiện trên đàn heo. Cụ thể, từ ngày 1 đến hết 10-3, dịch lở mồm long móng xuất hiện ở 8 hộ chăn nuôi, trong đó có 5 hộ ở Cam Lâm và 3 hộ ở Khánh Vĩnh. 8 hộ này có tổng cộng 214 con heo. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 100 con, còn 114 con bị bệnh nhẹ đang tổ chức điều trị. Các nhiệm vụ như: xử lý vệ sinh thú y, chuồng trại, khoanh vùng ổ dịch liên tục được thực hiện. Trong tình hình hiện nay, công tác quản lý càng được siết chặt hơn”, ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết. 

 

Đây cũng là thời điểm chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan và ngành Thú y đang căng sức để kiểm soát quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt heo. UBND tỉnh cũng đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương, sở, ngành, cơ quan chức năng tập trung kiểm soát tình hình, diễn biến dịch bệnh trên đàn heo để kịp thời xử lý. Toàn bộ nhân lực của ngành Thú y đều đã được tăng cường. Trang thiết bị bảo hộ, công tác phun thuốc khử trùng môi trường chăn nuôi, kiểm soát và nhanh chóng khống chế các ổ dịch bệnh nếu có... đều đã được triển khai chi tiết. Tỉnh đã thành lập 2 trạm kiểm dịch động vật tạm thời trên Quốc lộ 1 tại xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh) và Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) để kiểm soát toàn bộ phương tiện vận chuyển heo đi qua khu vực này.

Cục trưởng Cục Thú y Phạm Xuân Đông: Bệnh dịch tả heo châu Phi chủ yếu xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt, chưa xuất hiện ở các trang trại chăn nuôi lớn, đàn lớn nhất là 587 con heo đã buộc phải tiêu hủy tại TP. Hải Phòng.

 

Với các địa phương, ngoài nhiệm vụ nắm chắc tình hình chăn nuôi trên địa bàn, hoạt động tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, người tiêu dùng ứng phó thích hợp với tình hình dịch bệnh đã được đẩy mạnh. “Dịch tả heo châu Phi chưa xuất hiện ở Khánh Hòa. Theo các chuyên gia, bệnh dịch này không lây qua người, cũng chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng tỏ dịch tả heo châu Phi ảnh hưởng đến sức khỏe con người”, ông Lê Thắng nhấn mạnh.

 

Mặc dù dịch bệnh trên đàn heo đang được kiểm soát chặt chẽ, nhưng thời gian gần đây, người tiêu dùng vẫn có tâm lý lo ngại, ngưng sử dụng thịt heo. Đây là tâm lý bình thường trong tình hình hiện nay. Nhưng thay vì tẩy chay thịt heo, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tìm đến những nguồn cung cấp tốt để sử dụng thịt heo như: các cửa hàng thịt sạch, siêu thị, các cơ sở uy tín, được chứng nhận từ cơ quan thú y... Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần chú ý hơn trong chế biến thịt heo, không sử dụng tiết canh, thịt heo sống, heo chín tái... nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.


Theo baokhanhhoa.vn

Tin cùng chuyên mục

Văn bản mới

Liên kế website

0258.3563.531
stttt@khanhhoa.gov.vn
Nhà A1, Khu liên cơ số 1, Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hòa