Khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia

Sáng 19-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) dự Lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia (TTBCQG), Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành (TT-CĐĐH) của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công quốc gia (DVCQG) thứ 1.000 trên Cổng DVCQG.

Sáng 19-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) dự Lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia (TTBCQG), Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành (TT-CĐĐH) của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công quốc gia (DVCQG) thứ 1.000 trên Cổng DVCQG.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; đầu cầu trực tuyến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, các cơ quan liên quan; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế. 

Từ ngày 19-8, Hệ thống TTBCQG và Trung tâm TT-CĐĐH của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chính thức đi vào hoạt động.

Đây là địa chỉ tin cậy cung cấp các nguồn thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành thường xuyên, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng, thành viên Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương (BNĐP).

Các thông tin, số liệu (như: số liệu báo cáo chỉ đạo, điều hành; số liệu tổng hợp, phân tích, dự báo; số liệu theo thời gian thực…) được cập nhật, thu thập từ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của BNĐP; được phân tích và hiển thị trực quan trên các màn hình tại Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành dưới các dạng biểu đồ, đồ thị…, từ đó hỗ trợ đắc lực cho quá trình ban hành quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng và lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Thông qua các trang thiết bị và việc kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và Trung tâm điều hành của bộ, cơ quan, địa phương, Trung tâm TT-CĐĐH là nơi lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, làm việc trực tuyến với các BNĐP và trực tiếp tới thực địa khi có yêu cầu.

Đặc biệt, thông qua những “con số biết nói” hiển thị tại Trung tâm, cho phép truy xuất được nguồn gốc, kiểm tra chéo thông tin, dữ liệu báo cáo; giúp lãnh đạo BNĐP kiểm soát, đo lường hiệu quả hoạt động của cơ quan mình; lãnh đạo Chính phủ đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của các cơ quan trong Hệ thống hành chính nhà nước.

Hệ thống TTBCQG hình thành trên cơ sở Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với các Hệ thống thông tin báo cáo của BNĐP; trong đó, Hệ thống của các bộ, ngành triển khai các phân hệ phần mềm báo cáo dùng chung cho 63 địa phương, các địa phương chỉ triển khai xây dựng Hệ thống đối với các báo cáo phục vụ mục tiêu quản lý đặc thù, góp phần hạn chế việc đầu tư dàn trải, sử dụng có hiệu quả ngân sách đầu tư công; đồng thời, giúp hình thành “kho” thông tin, dữ liệu thống nhất và duy nhất phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong từng ngành, lĩnh vực.

Đến nay, đã có Hệ thống thông tin báo cáo của 30 bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; đồng thời, đã có 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội (KTXH) (theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24-2-2020 của Thủ tướng Chính phủ) được các bộ, cơ quan kết nối, cung cấp dữ liệu trên Hệ thống (trong đó, 66 chỉ tiêu có dữ liệu từ năm 2010 hoặc từ khi được số hóa, 35 chỉ tiêu có dữ liệu từ năm 2017 đến nay).

Bước đầu xây dựng bảy chuyên mục thông tin (Tin hằng ngày, Vấn đề tiêu điểm, Chỉ số quốc tế, Thông tin KTXH chủ yếu, Thông tin KTXH vùng, địa phương…); 25 kết nối trực tuyến theo thời gian thực với nhiều thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành (Thu ngân sách nhà nước, Giải ngân vốn đầu tư công, Xuất nhập khẩu, Tiêu thụ điện năng, An toàn giao thông, Tìm kiếm, cứu nạn…) nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chi phí tiết kiệm khi vận hành Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ (chưa tính các chế độ báo cáo triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo của  BNĐP và chỉ phục vụ mục tiêu chỉ đạo, điều hành của BNĐP): khoảng 460 tỷ đồng/năm.

Về dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng DVCQG: Từ tám nhóm dịch vụ công được tích hợp, cung cấp ở giai đoạn khai trương (9-12-2019), đến nay, Cổng DVCQG đã tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000. Sau chín tháng hoạt động, Cổng DVCQG cũng đã phục vụ gần 60 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ, với hơn 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trung bình mỗi ngày xử lý 4.000 hồ sơ trực tuyến, hàng trăm giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng.

Ước tính tổng chi phí xã hội tiết kiệm được do Cổng DVCQG đóng góp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (tính tại thời điểm tích hợp, cung cấp dịch vụ công thứ 1.000) là khoảng 6.722 tỷ đồng/năm.

Dịch vụ thứ 1.000 - kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 (thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh): Dịch vụ này giúp người dân, DN hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để khai, nộp lệ phí trước bạ; đồng thời, chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe.

Với việc áp dụng thí điểm tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ước tính chi phí tiết kiệm được của xã hội tối thiểu khoảng hơn 327 tỷ đồng/năm.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc tổ chức lễ khai trương này; nhấn mạnh, sự kiện này có ý nghĩa lớn khi tổ chức đúng dịp cả nước sôi nổi kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Văn phòng Chính phủ kỷ niệm 75 năm thành lập và tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước.

Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tích cực phối hợp, triển khai đưa vào khai trương, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thân thiện, thuận lợi cho người dân và DN.

Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Samsung Việt Nam, các DN công nghệ thông tin, chuyên gia...

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương Tập đoàn VNPT xây dựng hệ thống theo hình thức DN đầu tư và thuê lại dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta công bố dịch vụ công thứ 1.000 tích hợp trên Cổng DVCQG, là DVC thiết yếu để phục vụ người dân và DN, là cơ sở hình thành DN, công dân điện tử, góp phần tạo dựng nền kinh tế số và xã hội số.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan cần tích cực kết nối nhiều hơn nữa với Cổng DVCQG. Cổng phải thân thiện, phổ cập hơn nữa cho người dân và DN.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng CPĐT. Xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội, là con đường đúng đắn phát triển Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Do đó, chúng ta cần khẳng định mạnh mẽ rằng, năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia và là năm khởi động tiến trình hướng tới một Việt Nam số; trong đó Văn phòng Chính phủ là một trong những cơ quan đi đầu trong tiến trình này.

Thủ tướng lưu ý, thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đổi mới trong triển khai xây dựng CPĐT, Chính phủ số gắn quản trị công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Cần thúc đẩy mạnh mẽ kết nối liên thông, tương tác các dịch vụ công hiệu quả giữa Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan quản lý hành chính các cấp, tổ chức chính trị xã hội liên quan.

Thông tin dữ liệu phải thống nhất theo tiêu chuẩn hoạt động thông suốt, đem lại hiệu quả cao nhất. Thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng; cần đào tạo nâng cao năng lực công nghệ thông tin để có những thay đổi nhanh chóng để thích ứng với môi trường làm việc trên mạng.

Thủ tướng mong rằng, thời gian tới, công chức, viên chức nhà nước phải là những người tinh thông nghiệp vụ, giỏi về công nghệ. Lãnh đạo các BNĐP phải tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tiếp thu đầy đủ nền tảng công nghệ trong môi trường số. Trong tương lai không xa, chúng ta phải hướng tới xây dựng hệ thống thông tin chia sẻ CPĐT trên một số lĩnh vực với các nước trên thế giới, đặc biệt với các nước ASEAN, phát triển Chính phủ số có kết nối, liên thông, tương tác quốc tế là công cụ quan trọng giúp tăng cường ngoại giao và hợp tác quốc tế.

Riêng đối với Cổng DVCQG, cần hoàn thành tích hợp các DVC thiết yếu như xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, thuế, xử lý vi phạm hành chính, khoáng sản, viện phí, học phí…; tiếp tục nâng cấp hoàn thiện các tính năng của Cổng để phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn với mục tiêu 30% DVC trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020. Trách nhiệm đó không chỉ ở Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông mà còn ở các BNĐP, các cơ quan khác.

Tiếp tục phát triển các hệ thống phần mềm phù hợp nội dung hoạt động, điều kiện, đặc điểm nền hành chính và văn hóa Việt Nam, tạo sự thân thiện, thuận lợi nhất cho người sử dụng. Các công ty công nghệ thông tin, đặc biệt là các tập đoàn VNPT, Viettel phải cố gắng vươn lên, đồng hành cùng các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, cung cấp giải pháp kỹ thuật tối ưu, an toàn, an ninh nhất các hệ thống thông tin phục vụ người Việt, bảo đảm tính tự chủ cả hệ thống.

Với Hệ thống TTBCQG, Trung tâm TT-CĐĐH, các BNĐP khẩn trương chuẩn hóa, triển khai xây dựng hệ thống thông tin báo cáo các bộ, địa phương kết nối tích hợp Hệ thống TTBCQG, Trung tâm TT-CĐĐH.

Các BNĐP không được cát cứ thông tin, làm đẹp số liệu để lấy thành tích; thông tin dữ liệu cần chính xác, tin cậy, minh bạch, thống nhất, cần đẩy mạnh số hoá, liên thông; chia sẻ thông tin phải hướng tới xây dựng Chính phủ số liêm chính, minh bạch, hành động phục vụ người dân và DN; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải chuẩn hóa, điện tử hóa hơn 200 chế độ báo cáo gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội để tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; hoàn thành chuẩn hóa, số hóa biểu mẫu và kết nối, tích hợp các chỉ tiêu KTXH phủ lên Hệ thống TTBCQG.

UBND các tỉnh, thành phố triển khai điện tử hóa hệ thống chỉ tiêu thống kê, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hoàn thành trong năm nay.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hướng dẫn các địa phương điện tử hóa các chỉ tiêu thống kê, bảo đảm khả năng tích hợp, kết nối với Hệ thống TTBCQG và Trung tâm TT-CĐĐH trung thực, kịp thời, chính xác.

Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành các văn bản hướng dẫn mô hình triển khai, yêu cầu chức tăng, tính năng kỹ thuật của hệ thống, chỉ đạo điều hành và tổ chức đo kiểm, đánh giá, công bố kết quả.

Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp các BNDP lựa chọn các chỉ tiêu KTXH, các chỉ tiêu phục vụ chỉ đạo, điều hành hàng ngày của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cung cấp cho Hệ thống TTBCQG, Trung tâm TT-CĐĐH.

Phối hợp chặt chẽ Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ  bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ, lọt thông tin dữ liệu.

Văn phòng Chính phủ phải sắp xếp bộ máy, quản lý nhân sự để vận hành hệ thống an toàn, không hình thành tổ chức mới, không tăng biên chế; bảo đảm khai trương, hoạt động liên lục, phát huy hiệu quả.

Lãnh đạo Trung tâm phải có trách nhiệm để bảo đảm hoạt động “sống động”; bảo đảm an toàn hệ thống, không để bị đánh sập, không để bị để lọt thông tin mật của Chính phủ.

Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện chỉ đạo điều hành trực tuyến với một số địa phương, cơ quan, đơn vị; trải nghiệm các dịch vụ công thứ 998, 999 và 1.000 trên Cổng DVCQG.

Theo baonhandan.com.vn

(https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/khai-truong-he-thong-thong-tin-bao-cao-quoc-gia-613483/)