Hãy mở cửa cho tư nhân phát triển hạ tầng Internet

Các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, mở cửa thị trường viễn thông, Internet để cho thành phần kinh tế tư nhân nhập cuộc sẽ là bài học tốt cho Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực này

Các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, mở cửa thị trường viễn thông, Internet để cho thành phần kinh tế tư nhân nhập cuộc sẽ là bài học tốt cho Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực này

Hạ tầng băng rộng mạnh: Việt Nam sẽ bứt phá!

Tại hội thảo Kinh nghiệm phát triển hạ tầng băng rộng của Hàn Quốc và định hướng phát triển đến năm 2020 của Việt Nam do Bộ TT&TT tổ chức ngày 7/9/2010, các chuyên gia đến từ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm đi tìm lời giải cho bài toán phát triển ứng dụng CNTT, hạ tầng Internet băng rộng tại Việt Nam.

Theo giáo sư Sang Yong Tom Lee (khoa Kinh doanh, trường Đại học Hanyang, chuyên viên tư vấn chính sách CNTT của Hàn Quốc), nếu như trước đây (khoảng từ năm 2000 trở về trước) CNTT-TT chưa phải là động cơ rõ nét giúp cho sự tăng trưởng tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, thì đến nay đã có ảnh hưởng tích cực, khẳng định tầm quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế, đóng góp vào sự gia tăng năng suất lao động của Việt Nam. Nhận định của các chuyên gia về thực tiễn phát triển trong khoảng 15 năm qua tại hội thảo cho thấy trong giai đoạn tiếp theo, ngành CNTT-TT Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục phát triển bứt phá trong thời gian tới để trở thành ngành kinh tế chủ lực, đóng góp đắc lực cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Cũng theo dự báo của giáo sư Sang Yong Tom Lee, trong thời gian tới, tại Việt Nam cũng như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới sẽ chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các thiết bị kỹ thuật số được nối mạng Internet, công nghệ điện toán đám mây, dịch vụ và phương tiện kinh doanh trực tuyến, sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ mạng xã hội (như Facebook, Twitter) cùng với công nghệ tương tác thực tế… tác động sâu rộng trong đời sống xã hội, kinh tế cũng như chính trị. Và trong đó, lĩnh vực CNTT-TT với một hạ tầng Internet băng rộng đủ mạnh sẽ thực sự là động lực cho sự phát triển của đất nước.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT) cho hay, Việt Nam đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề đầu tư cũng như phát triển mạng lưới hạ tầng Internet băng rộng. Cụ thể hơn, trong Đề án “Sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT”, Đề án đã đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành mạng băng rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối Internet đến tất cả các trường học; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 85% dân cư; Đến năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thiện mạng băng rộng đến hầu hết số thôn, bản trong cả nước; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư.

Cần đặt doanh nghiệp tư nhân “đúng tầm”

Là chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực CNTT-TT của Chính phủ Hàn Quốc, ông Keuk Je Sung - Hiệu trưởng trường Đào tạo Sau đại học về nghiên cứu quốc tế (thuộc Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc) đã dẫn ra thực tế phát triển của Hàn Quốc những năm qua để từ đó lưu ý đến một số hướng phát triển cho Việt Nam.

Ông Keuk-Je Sung cho biết, tại thời điểm cách đây khoảng 15 năm, trong vấn đề xây dựng, phát triển CNTT-TT trong đó có hạ tầng Internet băng rộng, thì Hàn Quốc cũng phải “đau đầu” trong việc đi tìm lời giải để có thể bắt kịp sự phát triển của các nước phát triển. Từ năm 1996 đến năm 2007, Chính phủ Hàn Quốc đã “mạnh tay” đưa ra chính sách cạnh tranh tự do trong vấn đề phát triển điện thoại di động, Internet, cho phép sáp nhập hoặc mua lại doanh nghiệp viễn thông, khuyến khích sự tham gia phát triển hạ tầng băng rộng của thành phần doanh nghiệp tư nhân…

Chính vì vậy, ngay từ năm 2007, Hàn Quốc đã chứng kiến sự bứt phá của các nhà khai thác di động, viễn thông tư nhân, thị trường viễn thông của quốc gia này trở nên bão hoà, hãng viễn thông KT không còn là doanh nghiệp độc quyền. Từ sự phát triển đó, đến nay Hàn Quốc đã có mạng lưới hạ tầng băng rộng với đa số được thực hiện bởi doanh nghiệp tư nhân (chiếm tới 8 trong số 9 tỷ USD số tiền đầu tư) cùng những đóng góp lớn cho việc nghiên cứu và phát triển CNTT-TT.

Từ thực tế của Hàn Quốc, ông Keuk-Je Sung đã thẳng thắn chỉ ra rằng kế hoạch phát triển CNTT-TT của Việt Nam đến năm 2015 bên cạnh mục tiêu tập trung vào ứng dụng CNTT (như xây dựng Chính phủ điện tử với mạng lưới, thuế, hải quan, mua sắm, hộ chiếu điện tử…) cần phải đề cập nhiều hơn tới vấn đề cơ sở hạ tầng. Và cùng đó, vấn đề mấu chốt để Việt Nam giải được bài toán cho sự phát triển chính là đưa ra các chính sách phù hợp liên quan đến tài chính cho ứng dụng CNTT và phát triển hạ tầng Internet băng rộng.

Ông Keuk-Je Sung cho rằng, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, có kế hoạch cụ thể để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, các sáng kiến đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân cần được xem xét, ban hành các quy định nhằm bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, có các quy định nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng khi có sự tham gia của các nhà cung cấp nước ngoài…

Ngoài ra, nguồn ngân sách Trung ương phải đảm bảo đủ cho xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin lớn trên quy mô toàn quốc. Hàng năm, Chính phủ cần đưa ra định mức hỗ trợ cho các hạng mục cụ thể; Bộ TT&TT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… cần phải cân đối nguồn ngân sách Trung ương cho việc ứng dụng CNTT. Trong đó, Bộ Tài chính cần đưa ra cơ chế cũng như chính sách để đảm bảo cho việc ưu tiên và phân bổ nguồn vốn có hiệu quả cho các chương trình, dự án trọng điểm Quốc gia, các dự án ưu tiên từ cấp Trung ương tới địa phương.

Ngành CNTT-TT Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục phát triển bứt phá trong thời gian tới để trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Theo ictnew