Để chuyển đổi số trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội

Tại Diễn đàn chính sách địa phương với chủ đề "Chuyển đổi số - Bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa" do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 3-10, một số nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã có những chia sẻ hữu ích nhằm đưa chuyển đổi số thực sự trở thành động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

* Ông Phạm Quốc Hoàn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông:

Xây dựng chính quyền số - đô thị thông minh phải được thực hiện trên 3 trục

Để chuyển đổi số trở thành động lực phát triển kinh tế  xã hội

Khi nói tới chính quyền số, chúng ta mới thấy có một số ứng dụng tại Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh và các hệ thống liên quan đến nội bộ, còn những ứng dụng khác vẫn chưa biết triển khai thế nào. Vậy nên, việc triển khai chính quyền số - đô thị thông minh của tỉnh cần phải được thực hiện trên 3 trục tam giác: Đảm bảo hạ tầng kết nối, lưu trữ, tính toán, quy trình, chính sách được thống nhất, đồng bộ; xây dựng và thu thập dữ liệu từ các hệ thống của Trung ương, địa phương, bảo đảm công tác điều hành tác nghiệp dựa trên dữ liệu để ra quyết định; các ứng dụng của các ngành được xây dựng dựa trên các kỹ thuật tiên tiến nhất (AI, Cloud, IoT, Blockchain, Analytics), xây dựng các ứng dụng thông minh có sự phân tích dự báo, thông báo và đề xuất hành động. Trong từng giai đoạn, việc triển khai các trục thực hiện theo lộ trình, mức độ ưu tiên khác nhau, nhưng đảm bảo tính bền vững. Bên cạnh đó, để phát triển chuyển đổi số, chúng ta cần thực hiện đồng bộ 6 giải pháp chính: Quản trị thông minh; đô thị/môi trường thông minh; đời sống thông minh; công dân thông minh; giao thông thông minh; kinh tế thông minh…

* Ông Lê Nhật Quang - Phó Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh:

Đổi mới sáng tạo phải gắn với chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế biển

Ông Lê Nhật Quang - Phó Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Ông Lê Nhật Quang - Phó Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển trong các ngành kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển. Khánh Hòa có vị trí địa chiến lược quan trọng trong kinh tế biển của Việt Nam, với nhiều tiềm năng. Việc ứng dụng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phát triển kinh tế biển được thể hiện ở những lĩnh vực: Hải sản và nuôi trồng thủy sản; du lịch biển thông minh; cảng biển và dịch vụ logistics; năng lượng tái tạo; bảo vệ môi trường biển. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong việc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong phát triển kinh tế biển ở Khánh Hòa chính là hạ tầng công nghệ, nhân lực chưa đủ trình độ, chính sách, pháp lý chưa đồng bộ. Chính vì thế, chúng ta cần xây dựng hạ tầng số đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong kinh tế biển; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao nhận thức về công nghệ số và kinh tế biển; hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến công nghệ số và kinh tế biển; khuyến khích sự hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và viện nghiên cứu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

* Ông Lê Trí Hải - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng:

Khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số

Ông Lê Trí Hải - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng.

Ông Lê Trí Hải - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp (DN) là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của DN và tạo ra các giá trị mới. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số của DN hiện gặp những khó khăn khi thực hiện, chủ yếu về tài chính, nhân sự, công nghệ và văn hóa. Chính vì thế, để cộng đồng DN ở Khánh Hòa tích cực thực hiện chuyển đổi số, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ như: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho DN; tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo, hội thảo, hội nghị về chuyển đổi số; xây dựng kênh cung cấp thông tin chuyển đổi số trên website; xây dựng cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số cho DN; xây dựng, áp dụng bộ tiêu chí đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số; xây dựng kho các sản phẩm nền tảng, ứng dụng công nghệ số cho DN; hình thành và tổ chức các mạng lưới chuyên gia tư vấn và chuyển đổi số cho DN, đồng thời kết nối các DN công nghệ số trên địa bàn tham gia hỗ trợ cho các DN; xây dựng cơ chế đánh giá, khen thưởng, vinh danh các DN, cơ sở sản xuất chuyển đổi số tiêu biểu… Cùng với đó, chúng ta cần quan tâm thực hiện đầy đủ những quy định, hướng dẫn trong việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số để khuyến khích, động viên ngày càng nhiều DN thực hiện chuyển đổi số, mang lại lợi ích cho chính DN, cũng như tăng cường sự kết nối của DN.

NHÂN TÂM - VŨ HOA (Ghi)